Tài liệu bồi dưỡng những vấn đề cơ bản về nghiệp vụ công tác đoàn, hội, đội
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Tài liệu bồi dưỡng những vấn đề cơ bản về nghiệp vụ công tác đoàn, hội, đội", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.
File đính kèm:
- tai_lieu_boi_duong_nhung_van_de_co_ban_ve_nghiep_vu_cong_tac.pdf
Nội dung text: Tài liệu bồi dưỡng những vấn đề cơ bản về nghiệp vụ công tác đoàn, hội, đội
- TRUNG ƯƠNG ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH HỌC VIỆN THANH THIẾU NIÊN VIỆT NAM TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ NGHIỆP VỤ CÔNG TÁC ĐOÀN, HỘI, ĐỘI Hà Nội, 2018 1
- CÔNG TÁC GIÁO DỤC CỦA ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ CÔNG TÁC GIÁO DỤC 1. Khái niệm công tác giáo dục Giáo dục là quá trình tác động có mục đích, có kế hoạch, ảnh hưởng đến sự tự giác của con người đưa đến sự hình thành và phát triển tâm lí, ý thức, nhân cách. Hay theo một cách tiếp cận khác, giáo dục là một quá trình hoạt động có ý thức, có mục đích, có kế hoạch nhằm truyền cho lớp người mới những kinh nghiệm đấu tranh và sản xuất, những tri thức về tự nhiên, về xã hội và tư duy, giúp họ có thể có đầy đủ khả năng tham gia vào lao động sản xuất và đời sống xã hội. Mục đích của giáo dục chính là nhằm hình thành tư tưởng, đạo đức, giá trị, nhân cách và bản lĩnh con người. Công tác giáo dục của Đoàn là công tác tuyên truyền, vận động, giác ngộ đoàn viên thanh niên về chính trị, tư tưởng, văn hóa, khoa học; những đường lối, chủ trương, quan điểm, chính sách, nghị quyết, của Đảng, Nhà nước, của Đoàn. Công tác giáo dục của Đoàn góp phần quan trọng trong việc hình thành thế giới quan cách mạng và nhân sinh quan cộng sản cho thanh niên. Nâng cao nhận thức chính trị, củng cố niềm tin, bồi dưỡng lí tưởng cách mạng, góp phần xây dựng lớp thanh niên thời kỳ mới có lý tưởng cách mạng, giàu lòng yêu nước, có đạo đức, lối sống văn hóa, tiên phong, gương mẫu, tuân thủ pháp luật, yêu chuộng hòa bình và công lý; thực sự là lực lượng tiên phong trong học tập, lập nghiệp, khởi nghiệp, lao động sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ hiện đại, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. 2. Vị trí, vai trò của công tác giáo dục Công tác giáo dục là một bộ phận hợp thành, một mặt trọng yếu của công tác đoàn. Công tác giáo dục có vị trí và ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Đoàn đối với công tác chính trị, tư tưởng trong đoàn viên, thanh niên; góp phần xây dựng Đoàn phát triển vững mạnh, toàn diện. Công tác giáo dục nhằm xây dựng Đoàn vững mạnh, xung kích, tiên phong, có sức chiến đấu cao, thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội mà Đảng, Nhà nước giao. 2
- Công tác giáo dục có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chương trình, kế hoạch, nghị quyết của Đoàn đến với đoàn viên thanh niên; khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tính chủ động, sáng tạo của đoàn viên thanh niên, biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chương trình, kế hoạch, nghị quyết của Đoàn thành hiện thực, thành phong trào hành động cách mạng của đoàn viên thanh niên. Công tác giáo dục có vai trò quan trọng trong việc tạo nên sự thống nhất cao về chính trị, tư tưởng, văn hóa, giáo dục và sự đồng thuận trong xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Công tác giáo dục góp phần thực hiện chức năng “trường học xã hội chủ nghĩa” của Đoàn nhằm giáo dục, thuyết phục, vận động, tập hợp, đoàn kết, giác ngộ cách mạng trong quần chúng, đoàn viên thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; góp phần phòng chống âm mưu diễn biến hòa bình trong đoàn viên thanh niên. 3. Nguyên tắc công tác giáo dục của Đoàn 3.1. Đảm bảo tính Đảng trong công tác giáo dục của Đoàn Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là một tổ chức chính trị - xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh mang tính chính trị rõ nét không chỉ trong các biểu trưng, trong các phong trào hành động, mà phải đảm bảo tính Đảng trong các hoạt động giáo dục của Đoàn, đảm bảo tính Đảng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ công tác giáo dục, cũng như các mặt công tác khác của Đoàn. Tính Đảng trong các hoạt động giáo dục của Đoàn phải đảm bảo giữ vững lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong các nội dung, hình thức giáo dục của Đoàn. Đồng thời kiên quyết phê phán, đấu tranh không khoan nhượng với những quan điểm đối lập với Đảng, đối lập với học thuyết Mác-Lênin, đặc biệt là với chiến lược diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch, phản động trong nước và nước ngoài. Tính Đảng trong công tác giáo dục của Đoàn yêu cầu tổ chức Đoàn phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho thanh niên. Tích cực đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, đảm bảo vai trò định hướng chính trị của Đoàn, làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thấm đượm trong tư tưởng, lý 3
- tưởng của thanh niên, góp phần củng cố niềm tin của thanh niên vào đường lối độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đảm bảo tính Đảng trong công tác giáo dục của Đoàn phải thể hiện rõ nét trong các khâu: Từ nội dung giáo dục đến các hình thức giáo dục, thậm trí cả ngay trong tên các phong trào, các khẩu hiệu hành động, v,v. Đảm bảo tính Đảng trong công tác giáo dục của Đoàn còn thể hiện ở việc bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước trong các nội dung giáo dục, trong việc chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của của các cấp ủy Đảng trong công tác tuyên truyền giáo dục của Đoàn từ Trung ương đến địa phương. 3.2. Đảm bảo tính quần chúng trong công tác giáo dục của Đoàn Đoàn là một tổ chức chính trị - xã hội của thanh niên. Đoàn có nhiệm vụ đoàn kết tập hợp rộng rãi các tầng lớp thanh niên để giáo dục rèn luyện thanh niên tiến bộ trưởng thành và tổ chức các phong trào hành động cách mạng trong thanh niên. Để đảm bảo tính quần chúng trong công tác giáo dục của Đoàn, trước hết Đoàn Thanh niên cần bám sát những nhiệm vụ chính trị của đất nước trong từng giai đoạn cách mạng, trên cơ sở nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của tuổi trẻ, căn cứ vào điều kiện của mỗi cơ sở Đoàn, vào trình độ, đặc điểm của các đối tượng thanh niên chủ động đến với thanh niên, đồng thời để có những hình thức, phương pháp giáo dục phù hợp để chuyển tải có hiệu quả cao nhất đến đoàn viên thanh niên những nội dung giáo dục của Đoàn. Góp phần ngày một nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục của Đoàn Thanh niên. 3.3. Đảm bảo tính khoa học trong công tác giáo dục của Đoàn Công tác giáo dục của Đoàn là một quá trình giáo dục liên tục, hệ thống, khoa học và mang tính nghệ thuật. Tính khoa học trong công tác giáo dục của Đoàn thể hiện trước hết bản thân công tác này đã chứa đựng cấu trúc của một hoạt động giáo dục cần phải đảm bảo tính khoa học cao. Công tác giáo dục của Đoàn, một trong những mặt công tác quan trọng của Đoàn, của công tác góp phần “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” càng phải đảm bảo tính khoa học trong toàn bộ quá trình giáo dục của nó. Đối tượng của công tác giáo dục của Đoàn là đoàn viên, thanh niên, một lực lượng xã hội đặc biệt, trẻ, khoẻ, có trình độ học vấn cao, năng động sáng tạo trong thực tiễn và khoa học, sắn sàng tiếp thu cái mới, cái tiên tiến. 4
- Do vậy, công tác giáo dục của Đoàn phải là một khoa học và mang tính nghệ thuật cao mới có thể tập hợp được đông đảo thanh niên, tổ chức, giáo dục họ, góp phần tích cực vào việc đào tạo, bồi dưỡng lực lượng dự bị trực tiếp cho Đảng, cho cách mạng, cho sự nghiệp đổi mới hiện nay. Yêu cầu để thực hiện nguyên tắc này là các nội dung giáo dục của Đoàn phải đảm bảo tính chính xác, tính khách quan, đồng thời phải đảm tính khoa học, lôgic chặt chẽ, ngôn ngữ khoa học chính trị phải chính xác. Hình thức và phương pháp giáo dục của Đoàn phải phù hợp với thực tiễn, với đối tượng và điều kiện tổ chức các hoạt động giáo dục, đồng thời phải đảm bảo bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, nhà nước và của Đoàn Thanh niên trong từng giai đoạn của cách mạng. 3.4. Đảm bảo tính lợi ích của thanh niên trong công tác giáo dục của Đoàn Xã hội không ngừng phát triển đặc biệt là trong những tác động có tính toàn cầu hiện nay đã xuất hiện những xu hướng mới lợi ích của con người trong xã hội và lợi ích của thanh niên cũng không nằm ngoài những xu hướng mới đó. Những xu hướng lợi ích mới nảy sinh đó cũng tác động mạnh đến thanh niên Việt Nam. Trong tính phong phú, đa dạng của những lợi ích trong thanh niên Việt Nam hiện nay, có những cái tích cực, tiến bộ, nhưng bên cạnh đó có những cái tiêu cực, phản tiến bộ. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, thông qua công tác giáo dục của Đoàn phải góp phần đảm bảo, đáp ứng những quyền, lợi ích chính đáng của thanh niên là một nguyên tắc quan trọng. Đó là lợi ích về được học tập và bình đẳng về cơ hội học tập, trong lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng đất nước, trong phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; trong nâng cao trình độ nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ; trong hoạt động khoa học, công nghệ và bảo vệ tài nguyên, môi trường; lợi ích trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật, vui chơi, giải trí, trong bảo vệ sức khoẻ, hoạt động thể dục, thể thao; và đặc biệt là lợi ích của thanh niên trong quản lý nhà nước, quản lí xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đảm bảo quyền và lợi ích của thanh niên luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam quan tâm, chăm lo và đã được Nhà nước cụ thể bằng các điều khoản trong các bộ luật, luật, đặc biệt đã được thể chế hóa tại chương 2, luật Thanh niên được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XI thông 5
- qua tại kì họp thứ 8, ngày 29/11/2005 và ngày 09/12/2005 Chủ tịch nước đã kí Lệnh công bố luật Thanh niên. II. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA CÔNG TÁC GIÁO DỤC 1. Giáo dục chính trị, tư tưởng 1.1. Mục đích, ý nghĩa Giáo dục chính trị, tư tưởng cho thanh niên nhằm hình thành thế giới quan cách mạng, nhân sinh quan cộng sản, niềm tin và lý tưởng cách mạng cho thanh niên. Giáo dục chính trị, tư tưởng cho thanh niên là một bộ phận hợp thành quan trọng của công tác giáo dục của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Giáo dục chính trị, tư tưởng cho thanh niên góp phần xây dựng tinh thần cảnh giác cách mạng đấu tranh chống chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đối với đất nước, hòng phá hoại cách mạng, lôi cuốn thanh niên tham gia các hành vi chống lại chế độ xã hội, chống Đảng, chống nhân dân, gây mất ổn định chính trị, trật tự an ninh, an toàn xã hội, phá hoại sự nghiệp đổi mới đất nước. 1.2. Nội dung giáo dục chính trị tư tưởng Giáo dục cho thanh niên sự kiên định, có niềm tin vững chắc vào công cuộc đổi mới của đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, không dao động trước những âm mưu diễn biến của kẻ thù. Giáo dục lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, tình nguyện đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần, chấp nhận khó khăn, gian khổ, hi sinh không đòi hỏi “Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay” trên con đường thực hiện lí tưởng cao đẹp của mình. Giáo dục ý thức, trách nhiệm tham gia các hoạt động chính trị xã hội, động cơ, thái độ học tập đúng đắn, có hoài bão vươn làm chủ tri thức, khoa học – công nghệ hiện đại, phục vụ đắc lực, có hiệu quả cho công cuộc đổi mới đất nước. Xác định học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Giáo dục gương tốt, điển hình tiên tiến nhằm cổ vũ hành động của thanh niên, biến nhận thức tư tưởng thành niềm tin, hành động cách mạng cụ thể, thành phong trào thanh niên rộng rãi 1.3. Một số biện pháp chủ yếu 6
- - Phổ biến, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin kịp thời tình hình thời sự, chính trị , định hướng tư tưởng trước các sự kiện tác động đến tư tưởng, tình cảm, tâm trạng của đoàn viên, thanh niên. - Định kỳ tổ chức thi Olympic Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh “Ánh sáng soi đường”. - Đổi mới phương thức học tập các bài học lý luận chính trị với nội dung thiết thực, gần gũi với thanh niên. - Đổi mới phương thức tổ chức và nâng cao chất lượng tuyên truyền, học tập, quán triệt và triển khai các nghị quyết, văn kiện của Đảng, của Đoàn. - Tăng cường chuyển tải nội dung học tập lý luận chính trị, giáo dục pháp luật bằng các hình thức sân khấu hóa, các hội thi, hội diễn để thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia; nhân rộng hình thức thi tìm hiểu qua mạng Internet trong các khối đối tượng thanh niên. - Tăng cường đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, nắm bắt tình hình và định hướng thanh niên trên internet, mạng xã hội. - Thường xuyên nắm bắt tư tưởng, định hướng dư luận trong thanh niên thông qua mạng lưới thăm dò dư luận, đối thoại trực tiếp, ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội. - Phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cốt cán, lực lượng nòng cốt chính trị, báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đoàn trong. 2. Giáo dục truyền thống 2.1. Mục đích, ý nghĩa Truyền thống là những tập tục, thói quen và nói chung là những kinh nghiệm xã hội được hình thành từ lâu đời trong lối sống và nếp nghĩ của con người, được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Truyền thống có nhiều cấp độ khác nhau. Có truyền thống gia đình, truyền thống của từng địa phương, đơn vị, truyền thống cách mạng, truyền thống dân tộc. Nguyên tắc chung của việc giữ gìn và phát huy truyền thống là phải bảo đảm sự kế thừa biện chứng với 4 nội dung: Một là, loại bỏ những yếu tố tiêu cực, phản tiến bộ của quá khứ (tập tục lạc hậu, tàn dư tư tưởng 7
- phong kiến, tâm lý sản xuất nhỏ ); Hai là, giữ lại những yếu tố tích cực, tiến bộ (tinh thần yêu nước, lao động cần cù sáng tạo, tinh thần nhân đạo cao cả ); Ba là, ngay các yếu tố tích cực, tiến bộ đó cũng không giữ lại nguyên xi, mà phải được cải biến cho phù hợp với điều kiện mới, hoàn cảnh mới; Bốn là, các thế hệ mới phải sáng tạo ra những yếu tố hoàn toàn mới mà các thế hệ cha anh hoặc không có khả năng, hoặc không có điều kiện để thực hiện. Giáo dục truyền thống cho thanh niên nhằm mục đích giúp thanh niên hiểu biết sâu sắc quá khứ gian khổ, đau thương nhưng anh dũng và vinh quang của dân tộc, của Đảng, để thanh niên tự hào, tin tưởng, nhận rõ giá trị của cuộc sống hiện tại, nâng cao tinh thần yêu nước xã hội chủ nghĩa và tinh thần quốc tế chân chính, xây dựng thái độ lao động mới, ý thức tự lập tự cường, tinh thần trách niệm xã hội đối với tương lai của dân tộc, tiếp tục sự nghiệp của lớp người đi trước, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ còn nhằm đảm bảo sự kế tục và thống nhất giữa các thế hệ cách mạng Việt Nam. Nguyên tắc chung của việc giữ gìn và phát huy truyền thống là phải kế thừa sự biện chứng với 3 nội dung: Loại bỏ những yếu tố tiêu cực, phản tiến bộ của quá khứ; Giữ lại và cải biến những yếu tố tích cực, tiến bộ cho phù hợp với điều kiện mới, hoàn cảnh mới; Sáng tạo ra những yếu tố hoàn toàn mới mà các thế hệ cha anh hoặc không có khả năng, hoặc không có điều kiện để thực hiện. 2.2. Nội dung giáo dục truyền thống Truyền thống tốt đẹp của dân tộc: Trong những năm chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám, mở đầu bài học vỡ lòng về cách mạng cho cán bộ trẻ, Bác Hồ căn dặn: "Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc ta phải là cơ sở đầu tiên cho việc hình thành tư tưởng, tình cảm của tuổi trẻ. Truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta được kết tinh thành những phẩm chất cơ bản sau: Yêu nước nồng nàn, bất khuất, kiên cường đấu tranh cho độc lập tự do. Tinh thần nhân đạo cao cả Thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách; Truyền thống hiếu học; Lao động cần cù, sáng tạo và tinh thần lạc quan yêu đời. Truyền thống cách mạng của Đảng ta: Tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, với lợi ích của giai cấp công nhân và của dân tộc; Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và kinh nghiệm cách mạng thế giới vào tình 8
- hình cụ thể của nước ta, đề ra đường lối chính trị và phương pháp cách mạng đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối đó; Đoàn kết thống nhất trong Đảng, làm cơ sở để đoàn kết toàn dân, đoàn kết các lực lượng cách mạng trong từng thời kỳ lịch sử; Luôn luôn liên hệ mật thiết với quần chúng. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; Kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế chân chính. Truyền thống của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và thế hệ trẻ nước ta ngày nay: Truyền thống yêu nước nồng nàn, trung thành tuyệt đối với sự nghiệp của Đảng, gắn bó sống còn với lợi ích dân tộc, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; Truyền thống xung kích cách mạng, xung phong tình nguyện, không ngại hy sinh gian khổ, sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó; Truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái và nhân đạo cao cả; Truyền thống hiếu học, ham hiểu biết, có ý chí vượt khó, cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, có hoài bão lớn. Truyền thống của lực lượng vũ trang nhân dân anh hùng: Truyền thống vẻ vang của lực lượng vũ trang nhân dân bắt nguồn và được bồi đắp từ truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, từ truyền thống vinh quang của Đảng: “Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Truyền thống quí báu đó là mãi mãi là chuẩn mực chung cho lớp lớp thanh niên Việt Nam học tập, trân trọng và phát huy. Trải qua quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Quân đội nhân dân Viêt Nam và Công an nhân dân đã luôn giành trọn niềm tin yêu của Đảng, của Bác Hồ và của nhân dân ta. Truyền thống của địa phương, đơn vị, của: Tổng hợp những nét đẹp truyền thống của dân tộc, truyền thống cách mạng của Đảng ta, truyền thống của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và truyền thống của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam anh hùng được phát huy và thể hiện gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương đơn vị. 2.3. Một số biện pháp chủ yếu - Gắn với các dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của đất nước triển khai các cuộc thi tìm hiểu lịch sử cho thanh thiếu nhi. Mời các anh hùng, các chiến sỹ, các đồng chí cách mạng lão thành, cựu cán bộ Đoàn, các gia đình có công với cách mạng, những công nhân có thành tích, các 9
- tướng lĩnh, văn nghệ sỹ, vận động viên, những người nổi tiếng kể chuyện hoặc đối thoại với thanh niên. - Tổ chức “Hành trình đến các địa chỉ đỏ”, “Hành trình đến các bảo tàng”. Tổ chức đoàn viên, thanh niên sưu tầm, ghi chép lịch sử địa phương, đơn vị; lịch sử Đảng, Đoàn ở địa phương, đơn vị, lịch sử những người anh hùng; lịch sử các trận đánh; xây dựng nhà truyền thống, phòng lưu niệm, phòng Bác Hồ ở cơ sở. - Tổ chức các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” và “Lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ” vào dịp 27/7 hằng năm. Phân công các đơn vị, tổ chức thanh thiếu nhi nhận nhiệm vụ bảo quản, sửa sang các nghĩa trang liệt sĩ, các di tích cách mạng, chăm sóc thương binh và các gia đình có công với cách mạng, nuôi dưỡng, chăm sóc các Bà mẹ Việt Nam anh hùng - Nâng cao chất lượng sinh hoạt dưới cờ đầu tuần; tổ chức chào cờ, hát quốc ca cho cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi. - Tổ chức triển lãm, giới thiệu truyền thống địa phương, đơn vị tổ chức ngày hội truyền thống của địa phương hay của đơn vị mình. 3. Giáo dục đạo đức, lối sống 3.1. Mục đích, ý nghĩa Giáo dục đạo đức, lối sống là quá trình bồi dưỡng ý thức đạo đức về những ý niệm, quan điểm, chuẩn mực đạo đức cung cấp những tri thức cơ bản để thanh niên biết đánh giá hành vi đạo đức của mình và của người khác, nhằm hình thành năng lực phân biệt cái tốt, cái xấu, cái thiện, cái ác. Mục đích giáo dục cho thanh niên nhằm hình thành lớp người mới, biết khắc phục khó khăn gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó, biết đặt lợi ích của dân tộc, của giai cấp, của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, sẵn sàng cống hiến cuộc đời mình cho cách mạng, cho dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm đạo đức là cái gốc của nhân cách, người chỉ rõ: “ đạo đức cách mạng là cái gốc của người cách mạng Việt Nam”. Thanh niên là người kế tục sự nghiệp cách mạng của cha anh nên Bác rất coi trọng giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên. Bác dạy: “Thanh niên phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà và phải trau dồi đạo đức của người cách mạng”. Đạo đức cách mạng chính là việc kiên quyết suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, “Đạo đức cách mạng là ra sức phấn đấu để 10
- thực hiện mục tiêu của Đảng, là bất kì khó khăn đến mức nào cũng phải kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng”. 3.2. Nội dung giáo dục đạo đức, lối sống Tập trung giáo dục cho thanh niên lòng yêu lao động, tôn trọng người lao động, biết hưởng thụ chính đáng, chống lối sống thực dụng, hưởng thụ một chiều, kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, có thái độ, hành vi ứng xử văn hoá; có lối sống, nếp sống công tác, lao động, sinh hoạt lành mạnh, văn minh, giản dị, tiết kiệm, xây dựng nếp sống văn hoá trong gia đình, giữ vững thuần phong mỹ tục, đấu tranh chống lối sống ích kỷ, coi thường luân thường đạo lý trong gia đình và xã hội. Giáo dục đạo đức cách mạng, lối sống, nếp sống mới góp phần xây dựng một thế hệ trẻ nhân ái, sống có văn hoá, trung thực, hết lòng vì cộng đồng, vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Bản chất lương thiện, nhân ái của con người, là giá trị “chân - thiện - mỹ”, sống có nghĩa vụ và trách nhiệm, biết chia sẻ và quan tâm đến cộng đồng, có ý thức chống thói hư tật xấu, sự áp bức bóc lột, chống lối sống cá nhân ích kỷ. Giáo đạo đức cách mạng: trung với nước, hiếu với dân, quyết tâm phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân; đoàn kết thương yêu quý trọng con người; sống trung thực, nhân ái, khoan dung, có tinh thần yêu nước và quốc tế cao cả; sống theo lời Bác Hồ dạy “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” là: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. 3.3. Một số biện pháp chủ yếu - Đa dạng hóa phương thức học tập các chuyên đề về tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phù hợp với các đối tượng đoàn viên, thanh niên. Lấy kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chuẩn đánh giá, bình xét, phân loại đoàn viên, tổ chức cơ sở đoàn hằng năm. - Phát hiện, bồi dưỡng, định kỳ tuyên dương, tổ chức nhân rộng điển hình thanh thiếu nhi tiên tiến làm theo lời Bác trên các lĩnh vực. - Hướng dẫn, giáo dục đoàn viên thanh niên xây dựng qui ước nếp sống văn minh nơi cộng cộng, trong giao tiếp, trong gia đình giúp thanh thiếu niên có cơ sở để điều chỉnh thái độ, hành vi của mình. Tôn sư trọng đạo, kính già, yêu trẻ, biết yêu thương con người 11
- - Vận động thanh niên thực hành tiết kiệm. Tổ chức diễn đàn “ cần kiệm là nếp sống đẹp” trong thanh thiếu niên với nội dung tiết kiệm thời gian cho học tập, lao động, tiết kiệm đầu tư cho sản xuất, chống xa hoa, lãng phí, tệ nạn xã hội. - Nhân rộng các mô hình cưới văn minh, lành mạnh, tiết kiệm, cưới tập thể phù hợp với hoàn cảnh thanh niên. Tổ chức tuyên dương gia đình trẻ tiêu biểu các cấp với các giá trị no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. - Bồi dưỡng ý thức đạo đức cho thanh niên gắn liền với tổ chức và rèn luyện trong thực tiễn thông qua các phong trào hành động cách mạng. Động viên thanh niên tích cực tham gia thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư” do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Tổ chức cho thanh thiếu nhi tham gia bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa phi vật thể. - Tổ chức các hoạt động: Gặp mặt con cháu thảo hiền; giúp đỡ bạn nghèo; các hoạt động giúp các vùng nghèo, người nghèo, gia đình chính sách qua đó giáo dục lòng nhân ái, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau trong thanh thiếu niên. - Chủ động, tích cực trong phê bình, đấu tranh chống các biểu hiện sai trái, tiêu cực, nhận thức lệch lạc trong cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi, từng bước bài trừ các tệ nạn xã hội. 4. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật 4.1. Mục đích, ý nghĩa Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm hình thành, củng cố tình cảm tốt đẹp của con người với pháp luật, đồng thời ngày càng nâng cao sự hiểu biết của con người đối với các văn bản pháp luật và các hiện tượng pháp luật trong đời sống, từ đó nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của nhân dân. Với nhiều hình thức, biện pháp khác nhau, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức và tác động trực tiếp đến ý thức của thanh thiếu niên. Trước hết, các hoạt động này tạo ra sự quan tâm đối với pháp luật. Từ chỗ không để ý đến sự tồn tại của pháp luật, đối tượng được phổ biến, giáo dục bắt đầu dành sự quan tâm của mình đối với pháp luật, đồng thời sự hiểu biết về pháp luật cũng ngày càng được nâng cao. Pháp luật chính là phương tiện hàng đầu để Nhà nước quản lý xã hội và cũng là phương tiện cho mỗi 12
- người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giúp cho thanh thiếu niên nhận thức được những giá trị cao đẹp ấy của pháp luật và biết sử dụng phương tiện hữu hiệu đó trong cuộc sống. Một vai trò hết sức quan trọng của tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là tạo được niềm tin vào pháp luật. Khi đã có niềm tin, thanh thiếu niên sẽ biết tự điều chỉnh hành vi của mình theo đúng các quy định của pháp luật. Không những thế, họ còn có ý thức phê phán, lên án những hành vi vi phạm, đi ngược lại với các quy định của pháp luật. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu nhi góp phần hình thành lối sống “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”, giúp họ thực hiện tốt hơn quyền và nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 4.2. Nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật Tổ chức tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến rộng rãi Hiến pháp, Luật Thanh niên, Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Dân sự, Luật Lao đông, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật An toàn giao thông, Luật Phòng chống ma túy, việc làm, bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong thanh thiếu nhi, tuyên truyền, hướng dẫn sâu các luật theo chuyên ngành hay đối tượng và lĩnh vực thích hợp. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên thông qua tổ chức và hoạt động của các Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội”; Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý cho thanh niên; Các cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật”, sinh hoạt theo chuyên đề “Tìm hiểu, nghiên cứu pháp luật” Vận động thanh thiếu niên gương mẫu chấp hành luật pháp, tham gia xây dựng pháp luật, đẩy mạnh giáo dục ý thức chấp hành kỷ luật lao động, tuân thủ nội qui, qui định của tổ chức, đoàn thể và cộng đồng. Giúp đỡ, cảm hóa thanh niên hoàn lương, thanh thiếu niên chậm tiến. Vận động người thân trong gia đình và hàng xóm chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về đường lối phát triển kinh tế - xã hội, nhất là công tác bồi thường, giải tỏa, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, từ đó đã tạo được sự đồng thuận trong các tầng lớp Nhân dân đối với công tác triển khai các dự án đầu tư. 13
- 4.3. Một số biện pháp chủ yếu - Đổi mới phương thức thực hiện phong phú, sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng thanh niên như: Tuyên truyền trực tuyến, đối thoại, hội thi, triển lãm, ngày hội pháp luật, phiên tòa giả định, tuyên truyền lưu động, ngày hội cử tri trẻ; Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý; các sân chơi, hội thi thử tài kiến thức pháp luật, các hoạt động tham quan Tòa án nhân dân các cấp - Tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; phát huy kênh thông tin tuyên truyền thường xuyên thông qua các cơ quan thông tin, để tạo nên sự tương tác với đoàn viên, thanh niên trong công tác giáo dục pháp luật. Sử dụng mạng xã hội như một công cụ để góp phần nắm bắt những diễn biến tình hình trong thanh niên, tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua các bộ ảnh, các đoạn phim ngắn đánh sâu vào nhận thức của thanh niên. - Lồng ghép công tác tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với việc thực hiện các chương trình, các phong trào thanh niên, trong các buổi sinh hoạt chủ điểm chi đoàn; tuyên truyền tại tại khu tập trung đông người. Kết hợp tuyên truyền miệng, tuyên truyền trực quan, tuyên truyền thông qua các hoạt động văn hóa văn nghệ Kiên trì tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên, xây dựng thói quen “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. - Phối hợp giữa tổ chức Đoàn với ngành tư pháp, công an, giáo dục, các đoàn thể trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên - Củng cố, nhân rộng các mô hình tìm hiểu, giáo dục pháp luật, các sản phẩm truyền thông mang nội dung giáo dục ý thức chấp hành, tôn trọng luật pháp trong thanh thiếu nhi. - Xây dựng lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên và cộng tác viên từ các các ngành về giáo dục pháp luật. III. PHƯƠNG THỨC CÔNG TÁC GIÁO DỤC. Công tác giáo dục của đoàn được tiến hành thông qua một số phương thức cơ bản sau: Giáo dục thông qua các phong trào hành động cách mạng; Giáo dục thông qua việc nêu gương của cán bộ đoàn, các điển hình tiên tiến; Giáo dục thông qua tuyên truyền, cổ động (gồm tuyên truyền trực quan, tuyên truyền miệng, tuyên truyền qua các kênh thông tin đại chúng, các trang Web, bản tin của Đoàn và các phương tiện truyền thông hiện đại, các trang mạng xã 14
- hội ); Giáo dục qua sinh hoạt chính trị, qua tổ chức các hoạt động, sự kiện, các hội thi, hội diễn; Giáo dục thông qua hoạt động của các thiết chế văn hóa của Đoàn; Nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội và định hướng tư tưởng, dư luận xã hội trong thanh niên. Sau đây là 2 trong những phương thức công tác giáo dục cơ bản đó. 1. Tuyên truyền, cổ động 1.1. Khái niệm Tuyên truyền, cổ động theo nghĩa rộng là hoạt động có mục đích của một chủ thể nhằm truyền bá những tri thức, giá trị tinh thần, tư tưởng đến đối tượng, biến những tri thức, giá trị tinh thần, tư tưởng đó thành nhận thức, niềm tin, tình cảm, cổ vũ đối tượng hành động theo những định hướng do chủ thể tuyên truyền đặt ra. Về tuyên truyền, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là "đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó là tuyên truyền thất bại ” 1. Về cổ động, cần hiểu là thông qua những phương thức, công cụ riêng, chủ yếu là các biện pháp trực quan, tác động trực tiếp vào nhận thức, tư tưởng, tình cảm, của quần chúng nhân dân, lôi cuốn họ vào những hoạt động theo mục tiêu đã định. Tuy phương thức tiến hành có sự khác nhau, nhưng tuyên truyền và cổ động đều nhằm mục đích phổ biến, truyền bá tri thức, giáo dục nhận thức, vận động, tổ chức, cổ vũ, động viên quần chúng tự giác tham gia phong trào hành động cách mạng. 1.2. Phương châm công tác tuyên truyền, cổ động - Bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, phát huy tinh thần xung kích cách mạng của thanh niên. Nội dung công tác tuyên truyền, cổ động ở mỗi thời kỳ, thời điểm đều phải dựa vào nhiệm vụ chính trị của Đảng, bám sát sự chỉ đạo của các cấp bộ đoàn và phải gắn chặt với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. - Công tác tuyên truyền, cổ động phải kịp thời, nhạy bén, nội dung chính xác, có tính chiến đấu cao. Phổ biến kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các vấn đề thời sự quốc tế, trong nước, địa phương cho đoàn viên, thanh niên. 1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Sự thật, Hà nội, 1985, tr.162. 15