Tài liệu Sáu phương pháp xác định trị giá Hải quan

docx 3 trang Viên Minh 15/07/2023 11140
Bạn đang xem tài liệu "Tài liệu Sáu phương pháp xác định trị giá Hải quan", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

File đính kèm:

  • docxtai_lieu_sau_phuong_phap_xac_dinh_tri_gia_hai_quan.docx

Nội dung text: Tài liệu Sáu phương pháp xác định trị giá Hải quan

  1. Sáu phương pháp xác định trị giá hải quan Ngày 29/12/2003, Hải quan Việt Nam bắt đầu thực hiện việc xác định trị giá hải quan theo Hiệp định Trị giá GATT (General Agreement on Tariff and Trade) của WTO. Trị giá hải quan là một trong những cam kết Việt Nam thực hiện, cơ quan hải quan xác định trị giá tính thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo Điều VII của Hiệp định. Đến nay, Hải quan Việt Nam đã áp dụng đầy đủ hiệp định này. Ảnh minh họa. Ông Bob Fletcher – Giám đốc phụ trách vùng Đông Nam Á và Châu Á – Thái Bình Dương về thuế quan và thương mại toàn cầu của Deloitte cho biết: GATT quy định 6 phương pháp làm căn cứ xác định trị giá hải quan. Trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu (giá thực tế đã trả hoặc sẽ trả) Trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu được xác định theo trị giá giao dịch, tức là giá thực tế đã thanh toán hoặc sẽ phải thanh toán cho hàng hóa được bán từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu. Trước hết, trị giá hải quan được xác định theo trị giá giao dịch nếu thỏa mãn tất cả các điều kiện sau: Có bằng chứng của họat động mua bán xuất khẩu ví dụ hóa đơn thương mại, hợp đồng. Về nguyên tắc, người mua không bị hạn chế quyền định đọat hoặc sử dụng hàng hóa sau khi nhập khẩu trong trường hợp có thể điều chỉnh được; giá cả hoặc việc bán hàng không phụ thuộc vào những điều kiện mà vì chúng không xác định được trị giá của hàng hóa cần xác định giá tính thuế; người mua không phải trả thêm bất kỳ khoản tiền nào từ số tiền thu được sau khi bán lại, chuyển nhượng hoặc sử dụng hàng hóa nhập khẩu, trực tiếp hay không trực tiếp, cho người bán trong trường hợp có thể điều chỉnh được; người mua và người bán không có mối quan hệ đặc biệt, hoặc nếu có thì giao dịch phải được thực hiện theo nguyên tắc giá thị trường. Các khoản điều chỉnh tăng: Chi phí hoa hồng và chi phí môi giới do người mua trả, không bao gồm phí hoa hồng mua hàng. Chi phí bao bì và đóng gói do người mua trả. Trị giá của hàng hóa, dịch vụ do người mua cung cấp miễn phí hoặc giảm giá, hay còn gọi là các khoản trợ giúp. Chi phí liên quan đến quyền sử dụng sở hữu trí tuệ do người mua trả. Các khoản tiền người mua phải trả từ số tiền thu được, trực tiếp hay gián tiếp cho người bán. Chi phí vận chuyển, bảo hiểm và xếp dỡ để đưa được hàng hóa đến nước nhập khẩu.
  2. Các khoản điều chỉnh giảm: Chi phí phát sinh sau khi nhập khẩu do người mua trả bao gồm chi phí xây dựng, bảo dưỡng, lắp đặt và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật. Chi phí vận tải và bảo hiểm trong lãnh thổ nước nhập khẩu. Thuế nhập khẩu và các loại thuế khác phải nộp ở nước nhập khẩu trong trường hợp tách biệt với giá đã thanh toán hoặc sẽ phải thanh toán. Trị giá giao dịch của hàng hóa giống nhau Hàng hóa được coi là giống nhau đó là: Giống về mọi phương diện, được sản xuất ở cùng một quốc gia, được sản xuất cùng một nhà sản xuất và cùng cấp độ thương mại, số lượng nhập khẩu, khoảng cách vận chuyển, phương thức vận chuyển. Trong trường hợp có nhiều hàng hóa giống hệt thì áp dụng trị giá giao dịch của hàng hóa giống hệt có giá thấp nhất. Trị giá giao dịch của hàng hóa tương tự Hàng hóa phải tương đương nhau về đặc tính kỹ thuật và hình dáng bên ngoài. Hàng hóa phải có cùng chức năng, mục đích sử dụng và có thể hoán đổi cho nhau trong giao dịch thương mại. Hàng hóa phải được sản xuất ở cùng một quốc gia. Hàng hóa phải được xuất khẩu vào cùng thời điểm hoặc cùng thời gian. Trong trường hợp có nhiều hàng hóa tương tự thì áp dụng trị giá giao dịch của hàng hóa tương tự có giá thấp nhất. Trị giá khấu trừ Trị giá hải quan được xác định dựa trên giá bán hàng hóa ở nước xuất khẩu trừ đi các khoản sau: Hoa hồng thường trả hoặc đồng ý sẽ trả, hoặc chi phí chung và lợi nhuận liên quan đến các họat động bán hàng hóa tại nước nhập khẩu. Chi phí vận chuyển thông thường và chi phí bảo hiểm tương ứng trong trường hợp các chi phí này thường xuyên phát sinh trong lãnh thổ nước nhập khẩu. Thuế nhập khẩu và các khoản thuế phải nộp khác khi nhập khẩu và bán hàng hóa nhập khẩu trên thị trường nội địa; các khoản giá trị gia tăng do lắp ráp hay gia công nếu có. Trị giá tính toán (cộng chi phí) Trị giá tính toán bao gồm tổng các khoản sau: Giá thành hoặc trị giá của nguyên vật liệu, quá trình chế tác hoặc quá trình sản xuất gia công khác được sử dụng để sản xuất hàng hóa. Lợi nhuận và chi phí chung phát sinh. Các chi phí khác. Trị giá suy luận
  3. Phương pháp này yêu cầu việc áp dụng lại một cách linh họat tất cả các phương pháp khác. Nếu vẫn chưa xác định được trị giá hải quan thì có thể dựa trên một số nguồn sau: Giá trị trên sổ sách kế toán, trị giá bảo hiểm hoặc trị giá thay thế, trị giá tính thuế khác. Trị giá hải quan theo phương pháp 6 sẽ không được xác định dựa trên: Giá bán lẻ tại nước nhập khẩu của hàng hóa được sản xuất tại nước đó; giá cao hơn trong các trị giá tham khảo xác định được; giá của hàng hóa bán tại thị trường nội địa của nước xuất khẩu; giá thành sản xuất trừ khi quyết định áp dụng phương pháp xác định theo trị giá tính toán của hàng hóa giống hệt hoặc tương tự; giá hàng hóa xuất khẩu tới quốc gia khác quốc gia nhập khẩu; trị giá hải quan tối thiểu; trị giá mang tính chất tùy ý hoặc giả tưởng. Trị giá tính thuế phí bản quyền và phí giấy phép Đối tượng áp dụng: Phí bản quyền, phí giấy phép là các chi phí điển hình liên quan đến việc sử dụng các hàng hóa như: bằng sáng chế và giải pháp hữu ích (bí quyết kỹ thuật), thương hiệu, tác quyền, quyền phân phối hoặc bán lại. Điều kiện áp dụng: Phí bản quyền, phí giấy phép sẽ chỉ được cộng vào để xác định trị giá hải quan khi: Phí bản quyền, phí giấy phép có liên quan đến hàng hóa nhập khẩu; phí bản quyền là điều kiện để hàng hóa được bán đế nước nhập khẩu. Chỉ khi cả hai điều kiện trên đều thỏa mãn thì phí bản quyền, phí giấy phép mới được cộng vào trị giá tính thuế hải quan. Những trường hợp mà phí bản quyền, phí giấy phép được coi là liên quan tới hàng hóa nhập khẩu: khi hàng hóa nhập khẩu đi kèm bằng sáng chế hoặc bí quyết kỹ thuật; khi hàng nhập khẩu được sản xuất dựa trên bằng sáng chế hay bí quyết kỹ thuật; khi máy móc thiết bị nhập khẩu được thiết kế hay chế tạo đặc biệt để áp dụng bí quyết kỹ thuật hay sử dụng bằng sáng chế; khi hàng hóa nhập khẩu đã mang sẵn thương hiệu; khi hàng hóa nhập khẩu có thể được bán lại trực tiếp kèm thương hiệu sau khi nhập khẩu; khi hàng hóa nhập khẩu mang quyền hưởng thương hiệu và có thể được bán ngay sau khi công đoạn gia công đơn giản. Hàng hóa nhập khẩu có chứa phần mềm, văn bản, nhạc, tranh ảnh, hay các phương tiện tương tự khác (Trung Kiên)